1.Nhạc sĩ Lê Hựu Hà-Bài 2(DTL)2.Những con sông tràn ngập bèo và rác(RFA)3.Chè xanh, thuốc lào ở Hà Nội(NV)

Lê Hựu Hà, bi kịch cuối cùng của một tài năng âm nhạc!
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, April 1, 2016 2:41:26 PM

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

bi kich.jpg1

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà (đầu tiên bên trái) và ban nhạc Phượng Hoàng. (Hình: chimviet.Free.fr.)

Nếu sự nghiệp âm nhạc của Lê Hựu Hà ngày một thăng hoa thì, đời sống hàng ngày của ông, theo mô tả của nhiều người, lại là con đường ngược chiều đầy khó khăn, nếu không muốn nói là u ám! Dù cho ngoài việc viết ca khúc, ông cũng làm nhiều công việc khác, như đặt lời Việt cho hàng trăm ca khúc ngoại quốc (trong số đó, có khá nhiều bài nổi tiếng) hoặc, làm nhạc quảng cáo cho những công ty ngoại quốc, đặt hàng ông. Nhưng thực tế phũ phàng là các bầu show đã lần lượt quay lưng lại với họ Lê!

Tuy nhiên, cái chết của ông, mới thực sự là đỉnh ngọn u ám, bi kịch của tài hoa này.

Trong một bài viết trên báo NLÐ, số đề ngày 12 tháng 5, 2003, hai tác giả HT-TN ghi lại những chi tiết đầu tiên về cái cái chết của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, như sau:

“Khoảng 8 giờ sáng qua (11 tháng 5), công an quận 1 nhận được tin báo có dấu hiệu khả nghi ở nhà 89 đường Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q.1, TPHCM, mấy hôm nay không thấy chủ nhân ra vào. Công an đã đến xem xét và phát hiện ông Lê Hựu Hà, nhạc sĩ, sinh năm 1946, nằm chết trong phòng, xác đã bắt đầu phân hủy. Trong nhà đèn vẫn sáng, tivi vẫn mở, quạt máy vẫn hoạt động, ngoài sân có chiếc xe Honda.

“Những người dân ở gần nhà ông Hà cho biết: Ông Hà có hai đời vợ. Người vợ thứ nhất cùng các con đã định cư ở Mỹ; người vợ thứ hai là ca sĩ Nhã Phương. Cách đây không lâu, ông Hà tâm sự với nhiều người hàng xóm rằng mình đang ly dị vợ và chỉ một mình ông ở căn nhà này.

“Chiều cùng ngày, Cơ quan giám định pháp y công an TPHCM đã có kết quả điều tra. Sau khi giải phẫu tử thi, các bác sĩ khẳng định nhạc sĩ Lê Hựu Hà chết vào chiều 9 tháng 5 (Thứ Sáu). Theo ca sĩ Nhã Phương, nhạc sĩ Lê Hựu Hà bị bệnh huyết áp đã hai năm nay. Do cả hai đã ly thân cách đây bốn tháng nên đời sống của anh khép kín với thế giới bên ngoài…”

Những chi tiết liên quan tới cái chết của tác giả ca khúc “Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào,” như xác đã bắt đầu phân hủy hoặc, họ Lê chết từ nhiều ngày trước đó, đã khiến dư luận xôn xao, xúc động…

Người được dư luận nhắc tới nhiều nhất là nữ ca sĩ nổi tiếng, Nhã Phương, vì cô là người bạn đời sau cùng (trong số 4 người vợ) của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Dù hai người đã ly thân từ bốn tháng trước đó và, họ Lê sống khép kín trong căn nhà cũ của họ.

Chi tiết hơn, tác giả Hương Giang trong một bài viết trên báo Người Ðưa Tin, ghi rằng:

“…Người nhạc sĩ từng được coi là đã mang một dòng nhạc mới và tươi trẻ đến cho tân nhạc Việt Nam đã được phát giác qua đời vào ngày 11 tháng 5, 2003 khi mới 53 tuổi do tai biến mạch máu não. Theo biên bản khám nghiệm, Lê Hựu Hà qua đời từ ngày 5 nhưng phải đến ngày 11 mới được phát hiện trong tư thế nằm ngửa dưới sàn nhà, ngay cạnh giường ngủ, trong khi đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng và ti vi vẫn còn đang bật… Tiền sử bệnh tai biến đã khiến một con người tài hoa ra đi khi tuổi vẫn còn trẻ và đặc biệt là ra đi trong sự hoài nghi, luyến tiếc của hàng triệu những người ‘muôn năm cũ.’”

Tôi nghĩ, do áp lực của dư luận, cuối cùng, bảy năm sau, ca sĩ Nhã Phương đã phải lên tiếng và, sự bộc bạch của cô về cuộc hôn nhân giữa hai người, được báo Theo Mốt và Cuộc Sống, số đề ngày 19 tháng 10 năm 2010 ghi thuật đại ý:

-Cái chết của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đối với Nhã Phương là một biến cố quá to lớn. Cô phải cố gắng kiềm chế đau khổ của mình, để đem sự bình thường trở lại cho hai con của cô, một 15 tuổi và, một 9 tuổi!

-Nhã Phương cũng cho biết, cô phải nén đau thương tiếp tục đi hát bất cứ nơi nào, khi được mời để có tiền nuôi con. Trong bài viết kể trên, Nhã Phương tâm sự:

“…Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau,… Có lúc rất mệt, người không còn chút sức lực, tôi cũng không được nghỉ ngơi. Anh Hà cứ nói: ‘Thôi em ráng hát nhé, hát để có tiền trả tiền nhà.’ Thế là những lúc bệnh, tôi vẫn đi hát.

“Có một điều sai lầm với nhiều người làm nghệ thuật, trong đó có cả anh Hà là cứ sống trong mơ tưởng hão huyền. Họ cứ ngỡ mình là nhân vật gì đó quan trọng lắm, nổi tiếng lắm, tên tuổi lắm… Thật hoang tưởng!”

Dù vậy, Nhã Phương vẫn không quên nhận chân sự thật:

“Anh Hà mất đi, tôi xót xa hiểu được đời này là vô thường. Không khí gia đình lúc ấy tang tóc, buồn bã bao trùm. Tôi phải luôn dỗ dành, trấn an các con, tạo cho chúng niềm vui trong từng ngày, từng ngày…”

Nói về nguyên do sâu xa đưa sự kết thúc của cuộc hôn nhân đã kéo dài tới 23 năm với cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ca sĩ Nhã Phương cho biết:

“Tôi đến với anh Hà và chấp nhận cuộc sống đơn giản, an phận, vượt qua mọi gian nan trong cuộc sống. Danh tiếng hay tiền bạc, giàu có, tôi không màng đến, chỉ muốn sống vui và hạnh phúc bên chồng. Quan điểm cổ hủ ngày xưa chồng chúa vợ tôi cứ ăn sâu trong tâm thức mọi người thời đó. Người đàn ông đối xử với vợ thiếu tôn trọng, gần như áp bức vậy. Và cũng chính điều này đã đánh mất đi hạnh phúc tốt đẹp của nhiều cặp vợ chồng.

“Nhưng phải nhìn nhận rằng, sống với anh Hà thật thú vị. Anh ấy như một người thầy, một người anh dạy dỗ cho tôi biết bao điều. Trong những bài hát, lời văn ý nhạc anh Hà viết, đối với tôi là cả sự khâm phục. Anh ấy đã hỗ trợ rất nhiều trong nghề nghiệp của tôi, nhưng giá như anh Hà đừng yêu tôi nhiều quá, như vậy sẽ tốt hơn…”

Nhìn lại cuộc tình và hôn nhân của mình với tác giả “Hãy Ngước Mặt Nhìn Ðời,” Nhã Phương xác nhận, thực ra, cô yêu nhạc sĩ Lê Hựu Hà ở một con người khác; không phải con người “chồng chúa vợ tôi.” Cô nói:

“Ở ngoài, anh ấy thật dễ thương, hiền hòa, cởi mở. Nhưng về nhà lại là một người cứng rắn, bảo thủ và hay nóng giận vô cớ. Cứ mỗi lần nóng giận, anh Hà thường quát nạt, lớn tiếng, làm tôi cảm thấy sợ hãi và buồn chán. Lúc ấy, tôi chỉ muốn chia tay mà thôi. Nhưng cuộc sống cứ ràng buộc hết điều này đến điều khác, anh Hà lúc quát nạt, lúc đầy yêu thương, cứ như vậy, tôi đã kéo dài cuộc hôn nhân của mình như mong chờ một sự thay đổi từ phía chồng cũ.” (Nđd)

Bốn năm, sau khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà từ trần, ca sĩ Nhã Phương mới đi bước nữa với David, một khán giả người Mỹ, ái mộ cô từ những ngày cô còn hát ở các bar, phòng trà như Yesterday, Feeling Rex, Lido… Cô và hai con, hiện sống tại Hoa Kỳ.

Cuộc hôn nhân thứ hai của Nhã Phương đã là dấu chấm hết chuyện tình đẹp, dẫn tới hôn nhân – – Nhưng, tiếc thay, kết cuộc lại là một bi kịch cho cả hai tài hoa âm nhạc Việt: Nhã Phương-Lê Hựu Hà!

(Còn tiếp 1 kỳ)

Du Tử Lê

………………………………………………………..

Những con sông tràn ngập bèo và rác
Nguồn:RFA-Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2016-04-01

beo va rac.jpg1
bensongtrothanhnoidorac
Photo: RFA

Miền Tây bị hạn, mặn do thiếu nước thượng nguồn, thiếu dự trữ sinh quyển, Tây Nguyên bị khô khốc do mạch nước ngầm ngày càng teo tóp, không đủ nước cung cấp, rừng bị phá sạch dẫn đến tình trạng khô vỏ trái đất, miền bắc bị cạn nguồn sông Hồng, sông Kỳ Cùng, sông Đà, sông Thao, sông Mã và miền Trung cũng không thoát khỏi kiếp nạn này với sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Hương, sông Gianh đang trong tình trạng mực nước xuống thấp nhất, nước biển tràn vào các cửa sông. Nhưng đáng sợ hơn cả là những con sông đang chết dần chết mòn bởi bàn tay con người, bởi bèo lục bình và rác rến.

Sông chết “đúng qui trình”

Ông Thiệp, một cư dân thành phố Quảng Ngãi, hiện đang sống gần sông Trà Khúc, chia sẻ: “Nó bồi cát từng đống từng đống như vậy giữa sông. Bây giờ sông cạn hết rồi, chẳng còn thấy nước non gì hết. Trước đây Trà Khúc nhiều nước lắm, chỉ có vài năm trở lại đây mới thê thảm như vậy…”.

Theo ông Thiệp, sông Trà khúc đoạn qua thành phố Quảng Ngãi đã chính thức chết đi do nạn hút cát nhiều năm nay. Trước đây chừng 10 năm, sông Trà Khúc sâu thăm thẳm, trước trong vắt và độ sâu của đáy dao động từ ba mét đến mười mét. Nhưng hiện tại, sông Trà Khúc đang là bãi cát trắng khi mùa khô về.

Bởi nạn khai thác cát thiếu khoa học và các chủ máy hút thi nhau hút cát đáy sông suốt ngày đêm, quá trình khai thác kéo dài suốt mười năm làm tổn thương đáy sông, dòng chảy xê dịch, lớp cát dưới đáy sông bị chấn động và xê dịch mạnh dẫn đến tình trạng cát ở thượng nguồn kéo về. Chỉ sau ba trận lựt, sông Trà Khúc bị bồi lấp hoàn toàn. Mùa hè đến có thể ra giữa sông để đá bóng, làm bãi đậu xe và thành lập khu giải trí, quán nhậu.

Nó bồi cát từng đống từng đống như vậy giữa sông. Bây giờ sông cạn hết rồi, chẳng còn thấy nước non gì hết. Trước đây Trà Khúc nhiều nước lắm, chỉ có vài năm trở lại đây mới thê thảm như vậy…
– Ông Thiệp, Quảng Ngãi

Ông Thiệp chua chát nói rằng hiện tại người dân thành phố Quảng Ngãi đang có một lợi thế về đất đai. Chẳng bao lâu nữa, quĩ đất của Quảng Ngãi sẽ tăng thêm diện tích bởi con sông lớn bị bồi lấp hoàn toàn, có thể chia nhau mà xây nhà. Trong khi đó, cách đây năm năm, người dân Quảng Ngãi và các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về cái chết của con sông nhưng không có ai nghe. Cuối cùng là hậu quả hiện ra trước mắt, sông Trà Khúc chỉ toàn cát chứ không có nước.

Và đáng sợ hơn nữa là một khi những con sông cái chết đi sẽ kéo theo hàng trăm con sông con chết dần chết mòn. Bởi sông cái không đủ nước để đưa về sông con, các sông nhỏ sẽ bị ngưng trệ, tù đọng, bèo mọc lấp kín mặt sông, muỗi mòng và ấu trùng sinh sôi nảy nở. Và đáng sợ hơn là thay vì cùng nhau vớt bèo bảo vệ sông, khai thông dòng chảy, người ta lại thi thoảng tổ chức cho một ông cán bộ cao cấp nào đó ra vớt bèo rồi chụp hình đăng báo, còn người dân thì tha hồ vứt rác xuống sông.

Cùng tình trạng này, những nhánh của sông Hương và sông Như Ý ở Huế cũng đang gồng mình cõng hàng triệu cụm lục bình mọc kín mặt sông. Và người dân tha hồ xả rác xuống sông. Hành vi xả rác xuống sông của người dân có vẻ như họ đang cố tình lấp hẳn con sông. Bởi chưa bao giờ chiến dịch “vết dầu loang” của con người đối với các con sông lại tàn bạo như bây giờ. Hầu hết các bờ sông đều bị xây kè lấn dòng chảy để mở quán nhậu hoặc mở các dịch vụ tươi mát.

Như lời của ông Phú, một cư dân sống bên cạnh sông Hương, đọan đi qua huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế: “Sông Hương cũng rứa mà sông Bồ cũng rứa. Phía trên là sông Bồ, dưới ni là sông Hương, bèo đầy. Tụi nó hút cát phía trên mà đâu có ai hỏi han chi nó đâu bởi nó lo lót hết rii, hút nát hết sông rồi. Bây giờ sông bị chết đi thì vài bữa nữa mấy ông cán bộ lại kè sông để làm quán nhậu. Mấy ổng làm chứ có ai dám làm!”.

Ông Phú chia sẻ thêm là với đà này, các con sông cái thì người ta thi nhau hút cát. Cứ càng nhiều cơ quan tài nguyên môi trường bao nhiêu thì càng có thêm nhiều chỗ bán cát, bán khoáng sản bấy nhiêu. Dường như các cơ quan tài nguyên môi trường có mặt trong bộ máy nhà nước chỉ để làm một việc duy nhất, đó là thống nhất các bang phái sa tặc về một mối. Thay vì trước đây người ta khai thác nhỏ lẻ và manh mún. Khi cơ quan tài nguyên môi trường vào cuộc, họ sẽ bắt hết các tàu nhỏ lẻ để dằng mặt những tàu lớn. Sau đó tàu lớn sẽ đút lót, mua chuộc các quan chức trong cơ quan này.

Và kết quả cuối cùng là các tàu lớn trở thành đầu lĩnh, mua chỗ khai thác để bán cho các tàu nhỏ khai thác. Như vậy, hạt cát khi đến nhà người dân để xây dựng sẽ qua bốn lớp chi phí. Lớp đầu tiên là nhà xe chuyên chở cát, lớp thứ hai là các tàu khai thác cát vệ tinh, lớp thứ ba là các đầu sỏ, các trùm khai thác cát và lớp cuối cùng là quan chức quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường của nhà nước. Chính vì có hệ thống và có lớp có lang như trên mà các con sông nhanh chóng già nua, bệnh tật và chết dần chết mòn vì những ống hút khai thác cát, khai thác sạn. Thậm chí người ta đưa cả xán múc xuống nạo đáy sông.

Và khi sông cái cạn nguồn thì các con sông nhỏ thiếu nguồn chảy, bị tù đọng. Lúc này cũng là cơ hội ra tay của các thành phần có thế lực nhà nước và các quan chức, họ thi nhau kè sông để mở dịch vụ hoặc cho thuê điểm làm dịch vụ. Sông đầy bèo không ai cứu, thi thoảng một tay quan chức nhà nước hay một tay có quyền thế nào đó xắn tay vớt sạch bèo cho nằm dồn vào một góc sông gần nhà. Hành vi này tưởng như là cứu con sông nhưng không phải. Nơi đống bèo kẹp bờ sông kia sẽ được kè lại và đổ thêm đất lên để làm quán. Dường như mọi con sông ở Việt Nam đều có chung một qui trình chết, gọi là chết đúng qui trình.

Đổi loại hình sản xuất nông nghiệp, liệu có thực tâm?

Một người là cựu chủ nhiệm hợp tác xã, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Vấn đề là chuyển đổi loại hình nông nghiệp. Mới nghe thông tin vậy chứ chưa thấy họp. Nói chung là mới nghe thôi. Mà nếu chuyển đổi thì sẽ có một loại hợp tác xã mới, một kiểu hành chính mới trong nông nghiệp xuất hiện”.

Theo vị này, nếu như việc đổi loại hình sản xuất nông nghiệp, giảm trồng lúa và trồng các loại cây khác diễn ra cách đây chừng mười năm thì mọi chuyện đã khác. Nhưng thời đó, ở Tây Nam Bộ thì đắp đập ngăn nước vào đồng để làm ba vụ, ba miền đua nhau bón phân, bơm thuốc để tăng năng suất, để đạt mục tiêu đàn anh xuất khẩu gạo thế giới. Và có một bi kịch là tổng số tiền thu từ việc xuất khẩu gạo chưa bao giờ bù nổi cho tổng số tiền nhập khẩu phân bón.

Mới nghe thông tin vậy chứ chưa thấy họp. Mà nếu chuyển đổi thì sẽ có một loại hợp tác xã mới, một kiểu hành chính mới trong nông nghiệp xuất hiện.
– Một cựu chủ nhiệm HTX

Trong lúc người nông dân cuống cuồng với mùa vụ thì chỉ cần một năm bù lỗ cho bauxite Tây Nguyên cũng đủ bay đứt hai năm xuất khẩu gạo. Đó là chưa nói đến bù lỗ cho ngành điện lực, ngành dầu khí, ngành y tế, giáo dục… Và càng bù lỗ bao nhiêu thì thủy điện càng mọc ra nhiều bấy nhiêu, mà thủy điện là tác nhân đầu tiên để giết chết các con sông ở Việt Nam.

Và một khi các con sông đã chết vì hàng loạt mũi công kích do chủ trương lớn gây ra thì người ta lại nghĩ đến chuyện thay đổi loại hình sản xuất nông nhiệp, giảm trồng lúa để trồng loại cây khác. Bởi thực tế, đất đai ở Việt Nam hiện tại hoặc là bị khô cằn, vôi hóa bởi thuốc hóa học, hoặc là bị nhiễm mặn, nhiễm phèn bởi các loại giếng bơm và nước biển xâm thực, có muốn trồng lúa nữa cũng không xong.

Có vẻ như giải pháp thay đổi loại hình sản xuất nông nghiệp vừa quá muộn màng lại vừa có tính đối phó với thực tại nhằm che đậy hàng loạt cái lỗi phía trước, và đến một lúc nào đó, người ta sẽ bảo rằng đó là lỗi “đúng qui trình”!

Vị này đã kết luận như vậy trước khi chia tay chúng tôi.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

……………………………………………………………………………………..

Chè xanh, thuốc lào ở Hà Nội
Tuesday, March 29, 2016 4:18:59 PM

Nguồn: Liêu Thái/Người Việt

HÀ NỘI (NV) – Ðến Hà Nội, ngoài đến với phở mắng, cháo chửi, bến xe chật ních những tay giang hồ đội nón cối, chỉ cần sờ tay vào đồ vật của khách được một cái là quay sang đòi tiền bốc vác,… còn có một Hà Nội khác nằm khuất mình dưới những bức tường, những mái hiên cũ kỹ và nằm khuất trong mỗi sớm tinh mơ hoặc những buổi chiều tà… là những quán chè (trà) xanh, thuốc lào.

che xanh.jpg1
Quán chè xanh ở góc phố hàng Quạt, Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nói đến chè xanh thì phải nhắc đến thuốc lào, hai thứ này đi đôi với nhau như một cặp bài trùng. Bất kỳ quán chè xanh nào trên đất Bắc nếu không có điếu cày hoặc điếu ấm, điếu bát thì xem như chưa phải quán chè xanh và hầu như là mất hết ý vị nếu lỡ ngồi phải quán không có ba loại điếu này.

Ðiếu cày là loại được dùng phổ biến nhất so với điếu ấm và điếu bát, hai loại điếu được các nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng sản xuất bán cho giới nhà giàu thời xưa. Ðiếu ấm và điếu bát chỉ dành cho những ông nhà giàu, giới quan lại và có vẻ như hiếm khi nó xuất hiện ở các hàng chè xanh, chè nụ vối. Ở các hàng này chỉ có điếu cày.

Nói về điếu cày, loại phổ dụng nhất vẫn là loại làm bằng ống tre, ống nứa hoặc ống cây luồng đực, tức cây tre miền Bắc ít có gai và ống to, thân thẳng, những cây đực thì ống nhỏ hơn và thịt cũng chắc hơn. Người ta cưa một đoạn tre chừng 1 mét, một đầu có mắt để giữ nước, đầu kia thông thiên để đặt miệng vào hút. Sau đó người ta khoan một lỗ trên thân ống luồng, đặt tẩu thuốc và nhém kỹ cho kín hơi. Sau cùng là đổ nước vào ngập phần thân của ống tẩu, ngập vừa mức không bị xì nước lên miệng tẩu. Coi như có một điếu cày để hút.

che xanh 2.jpg1
Ðiếu cày hút thuốc lào trong quán chè xanh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Việc hút thuốc lào thì chắc không cần bàn nhiều, nhém thuốc cho gọn vào đầu tẩu, châm lửa rít mồi cho thuốc cháy vừa và rít một hơi thật sâu, tiếng nước trong ống sôi lên nghe roooc…ooooc! Một phát là bao nhiêu khói thuốc đã lọc qua bầu nước dưới tẩu, chạy thẳng vào phổi, ép lên thanh quản tạo ra cảm giác lơ mơ một chút nếu quen hút. Trường hợp không quen hút thì có thể trào bọt mép, co giật chân tay bởi lượng nicotine trong thuốc lào lớn gấp chín lần lượng nicotine trong điếu xì gà và lớn gấp hai mươi bảy lần lượng nicotine trong điếu Dunhill xanh.

Chính vì cách ủ thuốc lào hết sức công phu của những người dân miền núi, miền Trung du phía Bắc mà độ phê của thuốc mới đạt đỉnh cao như vậy. Bởi thuốc lào khi hái về, người ta mang ra phơi sương cho được bảy đêm, sau đó phơi nắng và phơi sương bảy ngày bảy đêm. Tiếp tục mang vào nhà xâu lại treo lên giàn bếp từ nửa tháng đến một tháng. Hầu như mọi thứ dưỡng chất trong lá thuốc đều tăng nồng độ và cô đặc. Chính vì vậy mà mấy anh Tây, chị Hàn Quốc, Trung Quốc khi thử nhấp một ngụm chè nụ vối, rít một hơi thuốc lào xong là ngã lăn ra đất, co giật chân tay.

Nhưng với người xứ Bắc thì không, bởi đó là chuyện hết sức bẽ mặt cho cánh mày râu xứ Bắc. Hễ cứ có hút thuốc, có uống chè xanh thì phải rít ít nhất vài ngao thuốc lào để “nâng cao sĩ diện.”

Và đương nhiên, nói về thuốc lào thì phải nói đến nước chè, nói đến nụ vối, nói đến chè móc câu. Những thứ này làm nên hương sắc xứ Bắc. Hay nói cách khác, chè xanh và thuốc lào như một loại sắc bùa của người đàn ông xứ Bắc, nó làm cho khí chất đàn ông trở nên bí ẩn và mạnh mẽ hơn.

che xanh 3.jpg1
Một bà chủ quán có thâm niên bán chè xanh 60 năm ở trước cổng bến xe Giáp Bát-Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Như lời của cô Lan, chủ một quán chè xanh ở góc phố Hàng Quạt nối Hàng Trống ra hồ Gươm, Hà Nội chia sẻ: “Người Bắc không có thói quen uống cà phê như người miền Nam. Hiếm có ai uống cà phê lắm. Chỉ sau năm 1975 mới có vài quán cà phê mọc lên và bây giờ thì nhiều rồi. Nhưng đã là người Bắc thì thích hàng thuốc lào chè xanh hơn là cà phê!”

“Hàng chè xanh thuốc lào tuy không bài bản như hàng cà phê nhưng lại rất gần với mọi giới, từ ông sếp văn phòng đến người lao động phổ thông đều thích. Giữa bến xe, tuy rằng bị cấm nhưng người bán hàng chè chỉ cần bắc mấy cái ghế xúp và bày thuốc, bày chè ra là có khách ngay.”

“Chè bây giờ cũng không rẻ, một ly chè năm ngàn đồng, tương đương với một ly cà phê đá ở miền Nam, một điếu thuốc lá hai ngàn đồng hoặc một ngao thuốc lào cũng hai ngàn đồng. Nhưng người ta thích vậy. Có lẽ đây là thói quen ăn vặt của xứ lạnh. Mỗi khi lạnh thì ngậm một thứ gì đó cho vui miệng và ấm người.”

“Thì trời lạnh, đang làm mệt, ghé qua bà chè xanh làm một cốc, sau đó rít ngao thuốc lào rồi làm tiếp, không ảnh hưởng đến thời gian làm việc mà lại ấm cơ thể. Có lẽ cũng nhờ vậy mà hàng chè xanh sống được. Như tôi chẳng hạn, bán hàng chè xanh nuôi hai đứa con vào đại học, bố nó mất từ lâu. Ðều nhờ vào lòng thơm thảo của khách hàng cả thôi. Mà uống chè xanh thì người ta lịch sự, không như phở mắng cháo chửi. Một người dữ cỡ nào khi bán hoặc uống chè xanh, hút thuốc lào cũng tỏ ra lịch thiệp, ít lời…”

Thương nhau tặng điếu thuốc lào…

Ðúng như lời cô Lan, có vẻ như chỉ còn những bà, những cô hàng nước giữ hồn xứ Bắc với nếp thanh lịch Tràng An, với liễu rũ mặt hồ, sống nhẹ nhàng, kín đáo. Dù là ở bến xe hay đi bất kỳ chỗ nào, cứ gặp hàng chè xanh, thuốc lào thì cảm giác yên tĩnh, nhẹ nhàng và không sợ móc túi, không sợ trấn lột. Ðó là cảm giác rất thật khi đến Hà Nội.

che xanh 4.jpg1
Không khó bắt gặp quán chè xanh ở Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Người ta có thể bực tức, mệt mỏi sau khi đi ăn sáng bởi gặp phải phở mắng, cháo chửi (mà hình như chuyện này diễn ra khắp nơi trên xứ Bắc và tập trung đỉnh cao ở Hà Nội, đi bất kỳ quán nào cũng có thể là phở mắng cháo chửi nếu không khéo léo và hỏi trước giá, giả bộ con nhà nghèo để hỏi một cách không “hống hách”…). Nhưng người ta cũng có thể lấy lại thăng bằng khi ngồi ở bất kỳ quán chè xanh nào.

Nói về chè xanh xứ Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Cụ Hồng, có thâm niên bốn mươi sáu năm bán chè xanh ở trước ga Hàng Cỏ, tâm sự: “Chè bây giờ không còn là chè xanh nữa, ít ai uống chè xanh rồi. Chủ yếu là uống chè nụ vối, chè Bắc Thái móc câu đậm đà và hút Vinataba chứ không hút thuốc lào mấy…”

“Thời đại thay đổi rồi, thỉnh thoảng mới có người hút một ngao thuốc lào, còn lại thì mua vài điếu Vinataba lẻ ngồi hút. Cái hồn của Hà Nội là đấy. Nếu như tôi bây giờ nghỉ bán thuốc lào và chè xanh chắc là mau chết lắm. Bởi quen rồi, mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, cuộc đời cũng trôi qua nhẹ nhàng lắm, mặc dù ngồi ở bến xe hay ga tàu lửa…”

Câu nói của cụ Hồng như một lời kết cho cái gọi là ngàn năm văn hiến, thanh lịch Tràng An… Dường như lẩn khuất đâu đó giữa lòng Hà Nội, giữa cái tất bật, lạnh cắt da cắt thịt và nóng thì gắt gao ấy, khuất dưới những tán cây, góc tường… Là một Hà Nội xưa cũ với đầy đủ hồn vía của nó trong từng làn khói thuốc, từng làn hương thơm của ly chè xanh, ly trà nóng.

……………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics